8/21/2023

Điểm Tham Quan Chính Hành Trình Con Đường Tơ Lụa - Trung Quốc

  • Tháp Đại Nhạn
  • Lăng mộ Tần Thủy Hoàng
  • Địa Mạo Đan Hà
  • Hang động Mạc Cao
  • Nguyệt Nha Tuyền
  • Đồi Cát Hát
  • Bạch Mã Tự
  • Thành Cổ Giao Hà
  • Thành cổ Cao Xương
  • Thiên Phật Động Bezeklik
  • Hồ Karakul
  • Lăng Apak Khoja
  • Hồ Thiên Trì

--------------------------------------------------------------------------------------------------

Địa mạo Đan Hà, cảnh quan độc nhất vô nhị trên thế giới

Đến với Đan Hà, bạn chắc chắn sẽ ngỡ ngàng với cảnh đẹp trời ban cho vùng đất này. Có bao giờ bạn nhìn thấy cầu vồng ngay mặt đất chưa ? Không chỉ có một, Đan Hà có vô số những cầu vồng rực rỡ trải dài khắp các dãy núi. Nếu bạn đã chọn du lịch Tân Cương, Đan Hà sẽ là điểm đến khiến bạn phải hoa mắt thích thú.

Trải dài từ Đông Nam đến Tây Bắc của Trung Quốc, Đan Hà sở hữu cảnh  đẹp hùng vĩ như chốn tiên cảnh và là điểm đến hấp dẫn trong chuyến du lịch Tân Cương. Trung Quốc Dân hà hay Địa mạo Đan Hà của Trung Quốc là tên gọi chung để chỉ cảnh quan độc nhất vô nhị là địa mạo Đan Hà. Được hình thành từ sa thạch đỏ với đặc trưng là các vách núi thẳng đứng, do phong hóa và xói mòn gây ra. Tháng 8 năm 2010, Đan Hà được liệt vào danh sách di sản thế giới của UNESCO.

Theo các nhà khoa học, núi “7 sắc cầu vồng” này là hiện tượng địa chất cực kì đặc biệt, chỉ có duy nhất ở Trung Quốc, và được hình thành từ kỉ Phấn Trắng (kỷ Creta). Việc hình thành nên các sắc độ tại địa mạo Đan Hà là kết quả của quá trình đã diễn ra từ 100 triệu năm trước. Do sự nóng lên toàn cầu, những dòng sông đầy phu sa bị khô hạn, lớp trầm tích bị oxy hóa tạo thành màu rỉ sét. Qua thời gian dài, mưa lũ xói mòn, để lộ từng lớp đất sa thạch đỏ xen lẫn các khoáng chất khác như Canxi, sắt, oxi, xi măng silic…tạo thành những vệt màu rực rõ như hiện nay.

Quá trình này vẫn chưa dừng lại, theo các nhà khoa học nghiên cứu cho biết, đến nay, các dãy núi Đan Hà vẫn còn trong quá trình kiến tạo địa chất với mức tăng trung bình khoảng 0,87m trong vòng 500.000 năm.

Địa mạo Đan Hà là một khu vực cực kì rộng lớn, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến là dãy núi Đan Hà “7 sắc cầu vồng”. Thoáng nhìn qua, những dãy núi đủ mọi hình thù, kiểu dáng và màu sắc này sẽ khiến bạn liên tưởng đến khung cảnh thần tiên không có thật ở trần gian, hoặc cho rằng chúng hoàn toàn chỉ là tác phẩm của Photoshop. Tuy nhiên nếu đã đặt chân đến đây, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến những màu sắc rực rỡ uốn lượn như những cơn sóng.

Không chỉ gây ấn tượng với “7 sắc cầu vồng”, tại địa mạo Đan Hà có một phần vách núi sa thạch đỏ bị bào mòn tạo ra những hang động kì ảo, với hình dáng ghồ ghề, càng tạo cảm giác kì bí cho nơi đây. Hệ thống hang động tại Địa mạo Đan Hà cũng là những cảnh quan đáng chiêm ngưỡng, có vô số hang động với nhiều hình dạng, kiểu dáng và kích thước khác nhau. Tất cả các hang động này đều cạn và tách biệt, không giống như những hệ thống hang động ở những nơi khác có xu hướng thông sâu và liên kết với nhau.

Khác với những điểm đến du lịch Tân Cương, cảnh sắc Đan Hà tràn ngập màu sắc, khiến du khách vừa đặt chân đến đã bị choáng ngợp. Cảnh sắc tuyệt đẹp ở những dãy núi “7 sắc cầu vồng” từ lâu đã giúp cho khu vực Địa mạo Đan Hà trở thành thắng cảnh du lịch nổi tiếng thế giới. Đến Đan Hà vào thời khắc nào trong ngày, bạn sẽ vẫn cảm nhận được vẻ đẹp được thiên gọt đẽo, núi nơi đây đã trở thành tuyệt tác.

Thời điểm tốt nhất để tham quan khu danh thắng nổi tiếng và còn rất hoang sơ này là khoảng giữa tháng 5, khi thời tiết khá ôn hòa (nhiệt độ cao nhất là 30 độ C, thấp nhất trung bình 8 độ C) và không có mưa.

Địa Mạo Đan Hà là điểm đến hấp dẫn trong chuyến du lịch Tân Cương mà bạn không nên bỏ qua. Trên mỗi điểm đến trong chuyến du lịch Tân Cương và khám phá Con đường tơ lụa, du khách sẽ được ngược dòng lịch sử, trở về với Trung Hoa của hơn 2000 năm trước.

Bạn không chỉ khám phá thành cổ Trường An, nơi in dấu của 13 triều đại Trung Quốc, mà còn đến với Tháp đại Nhạn, nơi sư Đường Tam Tạng đã dịch những áng kinh đầu tiên từ tiếng Phạn sang tiếng Trung và truyền bá khắp cõi Á Đông. Ẩm thực đặc sắc, các công trình kiến trúc hùng vĩ như Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Hang đá Phật giáo Mạc Cao chính là những điểm đến thú vị trong tour du lịch Tân Cương này.

----------------------------------------------------------------

Đến Đôn Hoàng và tham quan hang đá Phật giáo Mạc Cao

Nằm trên Con đường tơ lụa, Đôn Hoàng là điểm giao thương quan trọng bậc nhất giữa phương đông và phương tây. Nơi đây thu hút khách đến du lịch Tân Cương bởi những hang đá kì vĩ cùng những tượng phật đồ sộ.  

Từ thời Hán, khi kinh đô Trung Quốc còn đóng ở Lạc Dương (nay thuộc Tây An, tỉnh Thiểm Tây), người Trung Quốc đã mở một con đường thương mại dài hơn chục ngàn cây số xuyên qua vùng tây bắc từ Tây An đến Đôn Hoàng, qua vùng Trung Á rồi sang tận La Mã. Đôn Hoàng vốn có vị trí rất đặc biệt, phía đông giáp Trung Nguyên, phía tây giáp Tân Cương nên khi ấy là yết hầu của Con Đường Tơ Lụa. Xưa kia, Đôn Hoàng do các bộ tộc thiểu số, chủ yếu là Hung Nô cai quản, từ thời Tây Hán mới nhập vào Trung Quốc.

Hang đá Mạc Cao là một hệ thống 492 ngôi đền cách trung tâm thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc 25 km về phía Đông Nam. Đây cũng được gọi là Thiên Phật Động. Các hang đá này là các công trình chạm khắc trong đá, thuộc dạng kiến trúc chạm khắc đá. Với lối kiến trúc độc đáo, du khách đã bị cuốn hút ngay từ lần đầu đặt chân du lịch Tân Cương.

Hang Mạc Cao là một ngôi nhà đá có quy mô lớn nhất, nội dung phong phú nhất và có giá trị nghệ thuật cao nhất Trung Quốc còn tồn tại cho đến ngày nay. Các tác phẩm nghệ thuật chủ yếu trong ngôi nhà đá này là các tượng điêu khắc và các bức bích họa. Hiện nay nơi này còn có 492 hang động, 45.000m² bích họa và 2415 pho tượng, 5 ngôi nhà gỗ từ đời Đường, Tống. Năm 1987 hang Mạc Cao đã được UNESCO công nhận là "Di sản văn hóa thế giới".

Truyền thuyết kể rằng, vào một đêm trăng sáng năm 366, một nhà sư đã nhìn thấy hàng nghìn đức Phật tỏa sáng trên bầu trời Minh Sa. Nghĩ rằng đây là vùng đất của đức Phật, ông làm một ngôi đền với bức tượng Phật bằng vàng ở vách núi bên sông. Sau này, một nhà sư khác có pháp danh Fa Liang đến thăm Đôn Hoàng và tạo một chiếc hang thứ 2. Trong vòng vài thập kỷ, 70 hang động đã được chạm khắc ở Mạc Cao.

Hang Mạc Cao là điểm dừng chân hấp dẫn trong chuyến du lịch Tân Cương, là kho tàng nghệ thuật Phật giáo to lớn nhất và được bảo tồn nguyên vẹn nhất cho đến ngày nay. Hang Mạc Cao nổi tiếng thế giới bởi các pho tượng điêu khắc và những bức bích họa, thể hiện nghệ thuật Phật giáo phát triển liên tục trong suốt hàng nghìn năm.

Khi khai quật hang động, người ta đã phát hiện rất nhiều tượng phật được điêu khắc tỉ mỉ cùng nhiều bích họa đặc sắc. Do hang Mạc Cao Đôn Hoàng nằm trên  Con đường tơ lụa, nên đây là nơi giao thoa của nhiều nền tôn giáo, văn hóa, kiến thức giữa phương đông và phương tây. Các loại hình nghệ thuật của nước ngoài và nghệ thuật dân tộc của Trung Quốc đã đan xen với nhau tại hang Mạc Cao. Phong cách nghệ thuật đa dạng muôn màu đã khiến kho báu nghệ thuật này trở thành cảnh quan sáng ngời rực rỡ.

Các tượng của hang Mạc Cao muôn hình muôn vẻ, trang phục và sự biểu hiện của mỗi pho tượng đều khác nhau, phản ánh bản sắc của từng thời đại. Bích họa trong hang Mạc Cao cũng rất hoành tráng, nếu như nối những bức bích họa đó lại với nhau thành một dải, có thể tạo thành một hành lang bích họa dài 30 km. Nhiều du khách khi đến đây không khỏi trầm trồ thán phục bàn tay tài hoa của các nghệ nhân điêu khắc. Bởi việc điêu khắc trên đá là không hề dễ dàng, cộng với hình dạng nhiều vách đá khá hiểm trở. Nhưng công việc vẫn hoàn thành và ngày nay chúng ta đã có hang đá Mạc Cao đồ sộ và hùng vĩ, điểm đến yêu thích với những người tôn thờ đạo Phật và mới lạ với những người ngoại đạo.

Những bích họa ở đây phần lớn đều mang đề tài Phật giáo, ví dụ hình vẽ các loại Phật, Bồ Tát, Ngọc Hoàng, những bức vẽ liên hoàn theo cốt truyện trong kinh Phật, những bức họa về sử tích Phật giáo, kết hợp với những truyền thuyết và nhân vật lịch sử về Phật giáo ở Ấn Độ, Trung Á và Trung Quốc. Ngoài ra, bích họa của các thời đại đã phản ánh đời sống xã hội, trang phục, đồ trang sức, tạo hình kiến trúc cổ đại, âm nhạc, múa, xiếc... của các tầng lớp và các dân tộc lúc bấy giờ. Vì thế, các học giả phương Tây coi bích họa Đôn Hoàng là “viện bảo tàng trên vách tường”. Nhờ những khám phá khảo cổ, nhiều người đã biết đến nơi đây và hang đá Mạc Cao nhanh chóng trở thành điểm dừng chân hấp dẫn trong chuyến du lịch Tân Cương. 

Đối với các nhà sư Mạc Cao, nghệ thuật thị giác có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền các học thuyết tôn giáo. Để tạo ra những bức bích họa này, người ta phải đổ 3 lớp thạch cao lên một bức tường bằng phẳng để vẽ. Hiện có khoảng 2.415 bức tượng còn tồn tại ở Đôn Hoàng, nhiều bức được khôi phục từ triều Thanh. Trong các triều đại trước, mặt sau các bức tượng được gắn vào tường, đầu được làm riêng, sau đó đặt lên thân. Đến thời nhà Đường, các bức tượng mới được hoàn toàn tách ra.

Năm 1900, một mật thất tàng chứa rất nhiều sách tình cờ được phát hiện tại hang Mạc Cao và mật thất được gọi là Động Tàng Kinh. Trong động nhỏ chiều rộng ba mét dài cũng ba mét này chứa hơn 500 nghìn cuốn sách quý và những hiện vật lịch sử bao gồm, sách Kinh, văn thư, đồ thêu, tranh, gấm thêu hình Phật... niên đại của các hiện vật này đều có từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 11. Nội dung của chúng liên quan đến các lĩnh vực xã hội như, lịch sử, chính trị, dân tộc, quân sự, ngôn ngữ văn tự, văn học nghệ thuật, tôn giáo, y dược, khoa học kỹ thuật v,v... của Trung quốc, Trung Á, Nam Á và châu Âu, được gọi là “Bách khoa toàn thư thời cổ Trung Quốc”.

Trải qua hơn 1000 năm, các nhà điêu khắc đã tạo ra hơn 400 ngôi đền trong hang với 45.000 m2 các bức bích họa. Đây là di sản được UNESCO bảo vệ và thu hút rất nhiều khách du lịch Tân Cương. Sự tiến bộ về kiến trúc của các hang Mạc Cao phản ánh ảnh hưởng từ Trung Quốc và các khu vực phía tây. Nhiều hang được cải tạo vào các triều đại sau này.

Hang từ thời Đường được coi là đỉnh cao ở Mạc Cao. Không giống như các bức tượng từ các triều đại trước, những bức tượng tách rời của thời này có thể được chiêm ngưỡng từ mọi phía. Màu sắc rực rỡ và các chi tiết sắc nét từ trang phục của tượng cũng phản ánh cuộc sống sung túc của các nhà sư thời bấy giờ.

Là kho tàng văn hóa quý giá của Trung Quốc, hang Mạc Cao luôn là điểm đến hấp dẫn trong chuyến du lịch Tân Cương. Khám phá những công trình Phật giáo trên đá sẽ là hành trình tìm đến sự yên bình với các giá trị tâm linh, tìm hiểu về thời kì hưng thịnh của Đông Hoàng cùng Con đường tơ lụa huyền thoại. Tour Con Đường Tơ Lụa - Thảo Nguyên Tân Cương còn nhiều điểm đến hấp dẫn khác đang đợi bạn đặt chân đến khám phá và trải nghiệm.

 

---------------------------------------------------

Sự tích Nguyệt Nha Tuyền – Thiên đường giữa sa mạc

Hồ Crescent phiên âm tiếng Hán là Nguyệt Nha Tuyền là một hồ nước ngọt có hình trăng lưỡi liềm nằm trong một ốc đảo thuộc sa mạc Gobi, cách thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc 5 km về phía nam. Hồ có chiều dài khoảng 218 m, rộng 54 m và chứa nước rất tinh khiết.

Theo tài liệu ghi lại, Nguyệt Nha Tuyền (hay Hồ Bán Nguyệt) đã tồn tại ít nhất 2000 năm, nhưng đang dần bị đe dọa biến mất do sự phát triển quá mức của nông nghiệp. Ốc đảo này nổi tiếng với một bề dày văn hóa khá lâu đời: đây là điểm dừng chân không thể bỏ qua của các thương nhân đến từ Ả Rập trên Con Đường Tơ Lụa huyền thoại. Ngoài ra, nó cũng nằm trên tuyến hành trình tìm về cõi Phật của các tín đồ Phật giáo từ khắp nơi.

Có rất nhiều truyền thuyết đẹp về sự hình thành của hồ nước này, tuy nhiên trên thực tế, lý do quan trọng nhất chính là địa hình của nó. Vùng đất ở đây tương đối thấp hơn so với những nơi khác, do đó thích hợp để lưu trữ nước. Ngoài ra, nghiên cứu đã tiết lộ rằng với hình dạng khu đất lưỡi liềm đặc biệt này, những lớp cát rơi xuống từ cồn cát xung quanh sẽ được đưa trả lại sang cồn cát gần đó. Như vậy, những bãi cát không lấp cạn hồ. Chuyển động đất bất thường này giúp các đụn cát và hồ nước tồn tại hài hòa và gần như là nghịch lý,” Tạp chí Nice Art Life viết.

Đối với người Trung Hoa cổ đại, ốc đảo này được xem là cửa ngõ phía Tây của Trung Quốc. Đến đây, khách du lịch Đôn Hoàng sẽ được ghé thăm nơi đây và có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những công trình kiến trúc mang đặc trưng phong kiến xưa, không khác gì một cung điện giữa sa mạc hoang vu.

Tuy nhiên chiêm ngưỡng những cảnh đẹp của ốc đảo sa mạc nói chung và Nguyệt Nha Tuyền nói riêng không phải là điều duy nhất để thực hiện ở đây. Du khách có thể thử cảm giác cưỡi lạc đà đi trên sa mạc hoặc “lướt sóng cồn” hay trượt cát cũng là những trải nghiệm hết sức thú vị.

Sự tích về Nguyệt Nha Tuyền gắng liền với câu chuyện về 2 bộ tộc sống ở vùng Tân Cương nhưng không hòa hợp mà liên tục đánh lẫn nhau. Một vị đạo sĩ thấy vậy nên đã hạ giới để giáo hóa họ sống văn minh và hòa thuận hơn. Nhưng có một số người muốn chống đối vị đạo sĩ và tìm cách hãm hại ông. Nhận thấy những người dân nơi đây thật sự thiếu từ bi, vị đạo sĩ đã cảnh báo họ nếu không thay đổi sẽ bị báo ứng nặng nề, một trận bão cát sẽ vùi lấp hết tất cả. Đa số người dân đều phớt lờ lời của ông trừ những đứa trẻ. Vì vậy vị đạo sĩ đã cứu những đứa trẻ thoát khỏi trận bão cát. Vì đột ngột mất đi tất cả người thân, những đứa trẻ đã khóc, nước mắt chúng rơi đến đâu thì cỏ xanh mọc đến đó, mặt cho gió lớn của sa mạc. Sau đó, những đứa trẻ bắt đầu thiền định cùng vị đạo sĩ. Nhận thấy những đứa trẻ cần thức ăn và nước uống, vị đạo sĩ định rằng sẽ biến ra những thiên thượng ngăn cấm. Một vị thần ở tầng cao hơn đã khuyên vị đạo sĩ rời đi để thử lòng kiên định của những đứa trẻ. Nghe theo lời khuyên, vị đạo sĩ quyết định rời đi, trước khi đi ông không quên dặn những đứa trẻ phải luôn kiên định tu luyện mặc cho bất cứ hoàn cảnh nào. Sau khi ông rời đi, lúc đầu những đứa trẻ vẫn ngồi thiền, nhưng cơn đói khát cùng với bản tính ham chơi đã khiến chúng quên đi lời dặn, chạy đi chơi và tìm thức ăn, cuối cùng chúng bị vùi lấp trong biển cát. Chỉ còn một đứa trẻ vẫn vẫn ngồi thiền, coi thường khó khăn và có niềm tin vào người thầy của mình. Dần dần, môi cậu trở nên nứt nẻ, toàn thân đầy cát và hầu như cơ thể mất hết nước, một vị thần áo trắng vì cảm phục trước tấm lòng của cậu nên đã xuất hiện và biến ra một hồ nước có hình như hình mặt trăng mà vị thần mới nhìn thấy. Tiếp theo, vị thần biến thêm cá và vịt, ngan bơi trong hồ, giúp cho cậu bé được sống sót.

Nguyệt Nha Tuyền tồn tại như một lời cảnh tỉnh thế nhân: Khi con người không còn xứng đáng là người nữa, Thần sẽ thực sự hủy diệt họ, và chỉ có sự thiện lương mới có thể cứu họ, đồng thời cũng chỉ có tu luyện mới có thể giúp họ thoát khỏi khổ ải. Sự tu luyện kiên định có thể thực sự làm lay chuyển Trời Đất. Sau này, thêm nhiều người tu luyện và thậm chí các ngôi chùa đã xuất hiện quanh hồ này. Hồ Nguyệt Nha trong trẻo vẫn còn ở đó, khi con người đã dần dần hiểu ra mục đích để làm người.

--------------------------------

Những vết tích đầy bí ẩn ở Giao Hà

Khu phế tích Giao Hà nằm cách thành phố Tulufan Thổ Lỗ Phồn (Tân Cương – Trung Quốc) , 10km về phía Tây. Nhìn từ trên không, Giao Hà nằm trên một cù lao khổng lồ mang hình dáng  lá liễu hay còn được gọi là cao nguyên hoàng thổ ở vùng Tulufan. Dòng sông chảy đến từ phía Bắc, phân chia thành 2 nhánh bao bọc quanh Giao Hà và hợp lại ở nhánh sông phía Nam. Khối núi dài 1.700m, ngang 300m và cao 30m so với mặt sông.

Người Duy Ngô Nhĩ gọi thành cổ là “Duy Nhĩ Hòa đồ” nghĩa là “tòa thành dựng đứng” hoặc  “tòa thành xây trên vùng đất cao”. Người Hán gọi là Giao Hà vì thành nằm ở trong khu vực giao nhau với các nhánh sông bao bọc xung quanh. Trong Hán thư, Tây Vực truyện có ghi lại: “Xa Sư Tiền quốc vương trị vì thành Giao Hà, nước sông phân nhánh bao bọc quanh thành cho nên có tên là Giao Hà”.

Du khách men theo một con dốc để đi vào khu phế thành Giao Hà từ cổng phía Nam. Mới bước vào đầu cổng du khách sẽ thấy 1 phiến đá xi măng đặt nơi đây, được người hiện đại xây nên “Giao Hà cổ thành” xem ra quá phản cảm so với toàn cảnh kiến trúc cổ xưa. Ngay cửa ngõ vào thành là 2 khối đất đổ nát nhưng hình dạng của chúng cũng đủ để chúng tôi hình dung đến 2 tháp canh lớn. Vượt qua tháp canh là hình ảnh của một thành phố cổ với dáng vóc của những ngôi nhà, dinh thự, chùa chiền, đền đài… Điều lý thú là gần như tất cả nhà cửa ở đây đều được đắp bằng đất vàng, loại “hoàng thổ”. Ánh nắng khi chiều về đã bớt gay gắt, chiếu xiên trên những khối kiến trúc cổ xưa càng làm nổi bật sự tương phản giữa 2 sắc màu đậm nhạt đầy cổ kính.

Cả một góc trời rực rỡ màu vàng của đất, màu của vùng hoang mạc, xa xôi và khắc nghiệt. Đứng ở một góc cổ thành nhìn về phía Bắc là dãy núi Hỏa Diệm sơn màu đỏ tía. Các cạnh quanh khối núi Giao Hà là vách đá thẳng đứng, phía dưới vực là dòng sông, bây giờ chỉ còn là những rãnh nước cạn kiệt. Cảnh vật thật cô quạnh, thê lương mang đậm màu sắc của trời đất thuở hồng hoang.

Con đường đi vào khu phế tích rộng rãi và được lát bằng gạch khá bằng phẳng, dẫn chúng tôi đi xuyên dọc qua trung tâm của thành cổ. Hai bên đường là những vách tường nhà đổ nát đầy bụi. Người dân xưa kia ở đây có thói quen xây nhà nửa ở trên, nửa âm dưới đất theo kiểu nhà-hang. Cổng nhà không hướng ra phố chính mà mở thêm nhiều ngỏ hướng ra phố.

Đây là lối cấu trúc theo kiểu kinh thành Trường An của nhà Đường. Những con ngõ ngoằn ngoèo, chật hẹp như dẫn du khách lạc vào không gian huyền ảo của một đô thị thời cổ đại. Chốc lát chúng tôi lại bắt gặp một khối kiến trúc đổ nát có hình thù khá lạ mắt, có những lỗ, hốc gợi đến những kiểu khung cửa sổ, cửa ra mang hình dáng rất độc đáo.

Ngay đoạn ở giữa của con đường chính trong vùng trung tâm cổ thành là một quan thự (chốn quan lại làm việc). Chốn công đường này cũng là một tòa nhà đào âm dưới mặt đất. Bước xuống bậc thang sâu chừng hơn 2m, chúng tôi đi đến một gian phòng khá lớn ( đại sảnh), chỗ quan lại xét xử việc công. Nền lát gạch miếng rất cứng và bền - được làm bằng chính loại đất ở đây và nung khá lâu. Hai bên gian phòng có một hành lang khá dài nhưng bây giờ đã bị đất đá phủ kín. Hơn 2.000 năm, dưới bao lớp đất bụi thời gian, thật khó phân biệt đâu là dấu tích của thời Hán thuộc hay thời Đường.

Từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, Giao Hà đã từng là kinh đô của vương quốc Xa Sư nằm trong sự khống chế của Hung Nô. Thời nhà Hán, sau khi đánh đuổi Hung Nô và chinh phục các nước Tây Vực, Hán Vũ Đế đã đặt tên “Mậu kỷ hiệu úy”- một chức quan lãnh binh và đặt doanh trại đóng quân tại Giao Hà. Vương quốc Tiền Xa Sư được tồn tại đến giữa thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên. Các dấu tích còn lại của thời vương quốc Tiền Xa Sư có thể nhận dạng một cách tương đối rõ ràng có lẽ, chỉ còn những ngôi nhà – hang  nằm rải rác ở phía Đông Nam hoặc phía Bắc của thành và ở bên cạnh những ngôi mộ cổ gần các dòng nước ở phía Bắc và phía Tây.

* Cổng phía Nam vào thành cổ:

Tuy nhiên thời hưng thịnh nhất của thành Giao Hà là thuộc vương quốc Cao Xương của dòng họ Cúc (499-640 CN). Giao Hà lúc bấy giờ là thành phố lớn thứ hai ở vương quốc Cao Xương do thái tử trực tiếp nắm giữ binh quyền. Nhà Đường cũng đã đặt phủ binh tại đây khi thu phục Tây Vực. Khi ấy, phủ binh có thành lập một dịch quán luôn đứng ra lo giao dịch buôn bán với nước ngoài, trạm kiểm tra việc giao thương, nhà khách, xưởng sửa chữa xe cộ, kho hàng… và dĩ nhiên là không thể thiếu chợ, xưởng chế tạo hàng thủ công mỹ nghệ mà nổi tiếng nhất là ngọc và đồ khảm bạc. Rất nhiều các di tích còn tồn tại cho đến ngày nay đều là kiến trúc thời Đường.

Nổi bật nhất là ngôi đại tự ở cuối con đường chính phía Bắc. Ngôi chùa có quy mô đồ sộ, bao gồm nền móng và 4 vách tường chung quanh. Bên trong khuôn viên còn sót lại dấu tích của một trụ tháp, nền đất của 3 dãy nhà. Phía sau tự viện là quần thể rộng có nhiều tháp Phật. Chính giữa là một tháp Phật rất lớn, cao 10m. Bốn góc, mỗi góc có 25 tháp nhỏ tạo thành thế trận hình vuông quanh tháp lớn ở giữa. Trải qua bao cuộc thay đổi tàn phá của thời gian, quần thể tháp Phật chỉ còn 4 khối trụ đất đổ nát nằm xung quanh tháp phật ở giữa, nằm trơ trọi giữa những nền tháp nhỏ.

Một quần thể kiến trúc tháp Phật nguy nga, tráng lệ chỉ còn trong hoài niệm của một số rất ít người dân địa phương qua những câu chuyện kể truyền miệng. Bởi vì đến giữa thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên, người Hồi Cốt (tổ tiên của người Duy Ngô Nhĩ sau này) đến cư ngụ và xây dựng lại  thành cổ Giao Hà theo kiểu dáng mang màu sắc Hồi giáo.

Đến cuối thế kỷ 13, thành Giao Hà bị bỏ hoang một cách bí ẩn mà đến mãi đến bây giờ và nguyên nhân sự thật ra sao vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Ở phía Tây của phế thành, người ta khai quật được một di chỉ - nghĩa trang chôn cất hơn 200 quan tài trẻ em. Với những gì tìm được, xem ra giả thiết Giao Hà bị một trận đại dịch hoành hành, tàn phá có lẽ là thuyết phục hơn cả.

Trên đường về, du khách sẽ được các người ở địa phương mặc trang phục dân tộc của người Duy Ngô Nhĩ chào mời chụp ảnh lưu niệm. 20 tệ (khoảng 44.000đ Việt Nam) để được chớp bao nhiêu hình tùy thích bên các cô gái xinh như mộng, giá tiền xem ra cũng khá rẻ cho những du khách có tính thẩm mỹ. Giao Hà luôn đọng lại trong lòng khách những ấn tượng khó phai ngay từ cái đẹp trong hoang phế, từ bao điều kỳ bí .

---------------------------------------------

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp hư ảo của hồ Karakul

Nằm ở dãy núi Pamir, hồ Karakul là một trong top 10 hố thiên thạch lớn nhất Trái đất, đây là điểm đến không thể bỏ qua đối với khách du lịch Tân Cương, hồ nổi tiếng với phong cảnh mờ ảo và mặt nước trong veo có thể chuyển từ xanh đậm sang ánh xanh trong suốt mùa hè.

Hồ Karakul nằm ở độ cao 3.900 mét so với mực nước biển. Hồ nằm trong lưu vực kín, được bao quanh bởi các dãy núi cao nên ít khi có mưa, bình quân chỉ có khoảng 30mm một năm. Nguồn nước chính cung cấp cho hồ là nhờ ba con sông chảy vào, nhưng không có chỗ thoát, nước rất mặn.

Vào giữa tháng 10 đến tháng 5 hàng năm, nhiệt độ ở khu vực xuống thấp, hồ nước hoàn toàn đóng băng trắng xóa, mặt hồ như một tấm gương lớn phản chiếu hình ảnh đất trời. Hồ được cho là hình thành nhờ một thiên thạch rơi vào trái đất khoảng 25 triệu năm trước, tạo thành một hố lớn và làm cho nước từ những ngọn núi xung quanh tràn vào đầy, kết quả sinh ra hồ Karakul có đường kính 25 km như ngày nay.

Xung quanh bờ hồ Karakul là nơi tập trung sinh sống của hơn 140.000 người thuộc tộc Kyrgyz, vốn là những người dân gốc Thổ Nhĩ Kỳ từ Kyrgyzstan di cư tới Trung Quốc từ nhiều năm về trước và định cư ở đây.

Vào những ngày hè nóng nực, người Kyrgyz dựng “yurt” (một loại lều đặc trưng) ở bên bờ hồ Karakul phẳng lặng, gần đường cao tốc Karakoram để sinh sống cho mát mẻ. Về mùa đông, họ xây những ngôi nhà bằng đá ở bờ bên kia của sông. Khách du lịch Tân Cương khi đến với vùng đất của người Kyrgyz có thể trải nghiệm cảm giác được sống trong những ngôi lều của các gia đình dân tộc bên hồ Karakul.

Bên cạnh đó, du khách còn được tham gia vào những chuyến chăn cừu trên thảo nguyên, nhặt củi để đốt cháy sưởi ấm cho mùa đông. Về đêm, còn gì thú vị hơn việc ngồi bên đống lửa, nhâm nhi một cốc trà đặc trưng của người Kyrgyz cùng một bát mỳ nóng hổi hoặc thưởng thức đặc sản địa phương.

----------------------------------------------------------------

Cảnh đẹp như tranh của hồ Thiên Trì và câu chuyện thủy quái bí ẩn

Thiên Trì là hồ nước tuyệt đẹp nằm ngay ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương. Nằm giữa rừng cây, đồng cỏ và núi tuyết, hồ đã chinh phục bao nhiêu du khách lần đầu đến. Bạn sẽ được tự do khám phá hồ trong tour du lịch Trung Quốc.

“Sắc nước nghiêng thành” của hồ Thiên Trì  

Hồ nước nổi tiếng nằm ở kilomet số 100, phía Đông Bắc thành phố Urumqi. Dưới chân hồ là ngọn núi Bogda. Đây là ngọn núi cao nhất phía Đông dãy Thiên Sơn. Hồ Thiên Trì được ví như viên ngọc lục bảo nằm dưới chân dãy Thiên Sơn. Đây cũng là điểm đến quan trọng trong chuyến du lịch Trung Quốc được nhiều du khách yêu thích.  

Nước trong hồ có màu xanh biếc, tô điểm hài hòa với rừng tùng và những rặng bách thảo. Hàng cây vân sam xanh mướt bao bọc xung quanh hồ. Núi tuyết soi bóng mặt hồ tạo nên khung cảnh hết sức tráng lệ.  

Khu thắng cảnh Thiên Trì có bốn mùa rõ rệt. Du khách du lịch Trung Quốc sẽ luôn cảm nhận sự mới lạ. Cảnh sắc nơi đây đẹp đẽ và biến đổi khôn lường. Nước hồ được hình thành bởi băng tuyết trên núi cao tan chảy. Nước sâu hơn 100 mét, xanh biếc và trong veo. Hàng năm cứ đến màu hè, quanh hồ cây cỏ xanh rờn, trăm hóa đua nở.

Ngoài mặt nước trong xanh phẳng lặng, khách du lịch còn thấy được cảnh tượng rừng cây, đồng cỏ và núi tuyết. Hồ Thiên Trì là một điểm nghỉ mát lý tưởng dành cho du khách khi đi du lịch Trung Quốc vào mùa hè.

-------------------------------------------------------------------------------------

Chi tiết liên hệ: Công ty Du lịch ANZ (ANZ Travel)

Địa chỉ: 505 Phố Minh Khai - Hai Bà Trưng – Hà Nội
Điện thoại: 0243.974.4405 
Hotline: 0987 12 13 18
Email: support@dulichanz.vn
Website: dulichanz.vn

Đăng ký
Nhận thông tin khuyến mãi

Để lại Email của bạn ở đây và có cơ hội giảm 50% ở chuyến đi tiếp theo!