Chợ nổi Cái Răng nằm ở phía hạ lưu sông Cần Thơ, cách cầu Cái răng khoảng 600m với diện tích mặt nước khá rộng lớn, thuận lợi cho hoạt động của chợ nổi: chiều rộng chiếm luồng ngang sông trung bình 100-120m, chiều dọc sông khoảng 1300-1500m; diện tích mặt nước tương đối rộng nằm trên địa bàn quận Cái Răng với khoảng 300-400 ghe họp chợ mỗi ngày.
Hình thức chào hàng khá độc đáo ở chợ nổi Cái Răng là sử dụng cây bẹo. Người bán loại hàng nông sản nào thì treo loại hàng đó lên một cây sào trên ghe để chào hàng. Những loại hàng hóa được bày bán trên ghe, thường thì mỗi ghe sẽ chuyên bán một loại mặt hàng. Trước mỗi ghe hàng, thường có một cây xào chống, trên đó treo loại mặt hàng mà ghe có. Ví dụ như, nếu ghe chuyên bán khoai lang thì trên cây xào sẽ treo lủng lẳng vài củ khoai, còn nếu ghe bán xoài thì trên cây xào sẽ có treo vài quả xoài như thể muốn người mua biết rằng “Ở đây có bán khoai” hoặc “Ở đây có bán xoài”. Những ghe như thế gọi là ghe bẹo.
Chợ nổi Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Ngày xưa, người dân thường dùng xuồng ba lá, xuồng năm lá, ghe tam bản để về họp chợ nổi. Bây giờ có cả tắc ráng, ghe máy. Người đi mua cũng đến chợ bằng xuồng, ghe. Người chèo xuồng như nghệ sĩ uốn dẻo với cây chèo điều khiển những chiếc xuồng con len lỏi khéo léo giữa hàng trăm ghe thuyền mà không hề va quệt. Người miền Nam vốn chân chất, dân thương hồ trên sông nước miền Tây còn chân chất và đáng yêu hơn. Bởi họ phải vất vả mưu sinh trên sông nước hàng ngày, nên họ sống với nhau bằng cái tình của sông, của nước mênh mông và cởi mở. Không cố gắng tranh giành phần thắng, mà lựa nhau, nhìn nhau mà đi, lựa nhau mà bán, nhường nhịn, giúp đỡ, chia sẻ nhau mà sống. Đó là văn hóa tình người, điều làm nên sự đặc sắc của văn hóa chợ nổi Cái Răng.
Chợ đông nhất là vào khoảng 7- 8 sáng. Chợ không hoạt động và hoạt động rất ít vào các ngày Tết Âm Lịch (mồng 1 và mồng 2 Tết, Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng Năm âm lịch). Do nhu cầu của người đi chợ nên không chỉ có các xuồng trái cây, nông sản phẩm mà còn có nhiều loại dịch vụ khác: phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi... Các xuồng dịch vụ (thường là thuyền nhỏ) len lỏi phục vụ khách đi chợ và cả khách tham quan.
Sức hút của chợ nổi Cái Răng đối với thập khách chính là giữ gìn và phát huy được nét đặc trưng vùng sông nước và sự tươi ngon của hàng hóa nơi đây, thấy tâm hồn mình rộng mở và khoáng đạt hơn, cảm nhận được sự khác biệt của cuộc sống nơi đây, thấy được sự chân thành, giản dị và hiếu khách hiếm có của những con người vùng sông nước miền Tây nói chung.
Không chỉ giữ gìn được nét đẹp văn hóa vùng sông nước, ngày nay chợ nổi như một điểm du lịch hấp dẫn mà du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài rất thích khám phá và trải nghiệm. Cứ năm chiếc xuồng vào chợ thì có đến bốn chiếc chở người ngoại quốc, họ tỏ ra hiếu kì và thích thú từ khung cảnh đến con người miền sông nước, thậm chí đến cả câu rao hàng ngọt như “ mía lùi” của những cô gái Tây Đô.
Không gian chợ nổi Cái Răng còn là điểm đến hấp dẫn, mang sắc thái địa phương, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, nâng cao đời sống cộng đồng chủ thể di sản và góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng Chợ nổi Cái Răng vẫn tồn tại và phát triển. Địa điểm họp chợ nằm trên tuyến giao thông đi các tỉnh ở phía tây sông Hậu như Cà Mau - Rạch Giá. Đồng thời, nơi này không xa dòng sông Hậu, con đường giao thông thủy liên vùng và quốc tế, cho nên Chợ nổi Cái Răng là nơi hội tụ của dân thương hồ khắp nơi đổ về, tạo nên sắc màu văn hóa đa dạng trên chợ nổi. Không gian văn hóa chợ nổi Cái Răng tích hợp nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể: tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian (đờn ca tài tử)… và những di sản này vẫn đang được gìn giữ và lưu truyền. Mặc dù có sự tiếp biến nhưng nhìn chung vẫn còn khả năng duy trì và phát triển.
Với những giá trị đặc sắc về văn hóa và kinh tế của chợ nổi Cái Răng, Tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) đã bình chọn Chợ nổi Cái Răng là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới, mô tả là điểm đặc biệt lạ mắt với các thuyền bán hàng "rực rỡ sắc màu nhiệt đới". Trang web youramazingplaces cũng đưa ra danh sách 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á, trong đó có đề cập đến chợ nổi của khu vực ĐBSCL, mà chợ nổi Cái Răng là một điển hình. Văn hóa Chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 10/3/2016.
Xem thêm: Đình Bình Thủy
---------------------------------------
Mọi chi tiết liên hệ:
Công ty Du lịch ANZ (ANZ Travel)
Địa chỉ: 505 Phố Minh Khai - Hai Bà Trưng – Hà Nội
Điện thoại: 0243.974.4405
Hotline: 0987 12 13 18
Email: support@dulichanz.vn
Website: dulichanz.vn