Hội nghị Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam
Nhiều ý kiến cho rằng suốt thời gian qua, nổi cộm nhất trong việc đón khách Trung Quốc là các tour giá rẻ (hay còn gọi là tour 0 đồng), nguy hiểm hơn là việc này đã gieo vào tâm lý của khách: Việt Nam là điểm đến giá rẻ. Vì thế, để thu hút khách Trung Quốc, việc quan trọng cần làm ngay là phải khắc phục được những mặt hạn chế của tour du lịch 0 đồng.
Thay đổi nhìn nhận của khách về điểm đến Việt Nam
Giai đoạn trước Covid-19, Trung Quốc là thị trường du lịch outbound (khách đi du lịch nước ngoài) lớn nhất thế giới, mang lại nguồn thu chiếm tới 20% doanh thu du lịch toàn cầu. Tuy nhiên với chính sách “zero Covid”, trong 3 năm qua (2020 - 2022) Trung Quốc đã đóng cửa, vì vậy thế giới đã không đón được khách du lịch Trung Quốc.
Khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ mở cửa du lịch quốc tế từ 8.1 đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho du lịch toàn cầu. Hầu hết các quốc gia dự kiến đón khách Trung Quốc đều đưa ra các chính sách thu hút nhanh lượng khách quan trọng này. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, nhiều nước cũng đã có những quy định kiểm soát việc phòng chống Covid-19 với khách Trung Quốc. Đối với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường du lịch quốc tế lớn nhất, cả về inbound (đón khách quốc tế vào) và outbound (đưa khách ra nước ngoài). Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc (chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam) và số người dân Việt Nam đi du lịch Trung Quốc (đạt khoảng 4,5 triệu lượt) cũng đứng đầu danh sách khách outbound của Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, trong quá trình đón và phục vụ khách Trung Quốc thời gian qua, bên cạnh các kết quả đạt được cũng vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được, cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn.
Tình trạng xuất hiện tour giá rẻ (thường gọi là tour 0 đồng), kinh doanh “núp bóng”, xuất hiện các công ty, hướng dẫn viên là người nước ngoài, lừa đảo trong mua bán hàng hóa. Nhiều cửa hàng, khách sạn, công ty lữ hành “chui”… làm cho việc đón và phục vụ khách Trung Quốc trở nên lộn xộn, không quản lý được, khiến khách Trung Quốc không hài lòng; hình ảnh đất nước, con người Việt Nam bị hiểu sai. Những việc làm này đã gây bức xúc cho xã hội, làm ảnh hưởng đến thương hiệu Du lịch Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành Du lịch. Mặc dù nhiều cơ quan truyền thông, báo chí đã lên tiếng phản ánh, nhiều cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương và địa phương vào cuộc, nhưng cơ bản tình trạng nói trên chưa giải quyết được. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước phải kiên quyết xử lý tình trạng tổ chức chương trình “du lịch chui”, cho mượn pháp nhân ăn chênh lệch, trốn thuế… Đặc biệt, cần phải thay đổi quan điểm của khách Trung Quốc lâu nay cho rằng, đi du lịch giá rẻ là đi Việt Nam.
Giám đốc công ty TNHH Lữ hành quốc tế Tictours Nguyễn Quang Thắng Tictours đề nghị, khi đón khách Trung Quốc trở lại, Hiệp hội Du lịch, các địa phương và doanh nghiệp phải ngồi lại để bản thảo cụ thể việc đón khách như thế nào, chất lượng, giá cả ra sao. Cần xử lý đủ sức răn đe đối với những đơn vị làm tour giá rẻ, tour 0 đồng để trốn thuế, từ đó tạo sân chơi công bằng cho tất cả doanh nghiệp. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước cần thể hiện rõ hơn, chặt chẽ hơn trong vấn đề kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp Việt Nam “bắt tay” với doanh nghiệp Trung Quốc kinh doanh bất hợp pháp, trốn thuế. Ông Thắng đề nghị cơ quan quản lý du lịch Việt Nam và Trung Quốc nên cập nhật thông tin thường xuyên và sớm thông báo cho các doanh nghiệp và du khách 2 bên. Khách Trung Quốc hiện nay không trong danh sách thực hiện visa điện tử mà phải đi qua các công ty du lịch nên cần sớm thông báo với khách, tạo điều kiện để thủ tục visa được triển khai nhanh nhất. Đồng thời, thông báo những quy định với khách outbound đi Trung Quốc, làm rõ các quy định phòng, chống dịch thời kỳ đầu mở cửa. Chuẩn bị thật chu đáo, tính toán, có phương án trong trường hợp khách vào đông phải xử lý thế nào.
Theo ông Bình, để đón tiếp hiệu quả, an toàn khách du lịch Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Du lịch Việt Nam, cần có sự chuẩn bị chu đáo. Việc đầu tiên ngành Du lịch phải triển khai là đưa ra các giải pháp cấp bách để sớm thu hút được khách du lịch Trung Quốc. Đồng thời phải ban hành các quy chế chặt chẽ về quản lý hoạt động này, đảm bảo kết quả kinh doanh tốt nhất, chấn chỉnh các hành động sai pháp luật trong phục vụ khách Trung Quốc, tạo ấn tượng tốt nhất đối với khách Trung Quốc để đảm bảo phát triển bền vững thị trường quan trọng này.
Cửa khẩu quốc tế tại TP Móng Cái ngay sau ngày Trung Quốc mở cửa khá vắng vẻ
Phải có kế hoạch quảng bá, xúc tiến rất cụ thể, chi tiết
Dự báo du khách Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ sẽ bùng nổ đi du lịch. Họ sẽ lựa chọn các điểm đến đang thu hút khách, đi lại thuận lợi qua đường bộ hoặc các điểm đến có đường bay thuận lợi. Vì thế, cần có sự chuẩn bị cho phù hợp với xu thế và thị hiếu mới của khách.
Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch để tránh những hạn chế, bất cập khi đón khách Trung Quốc bằng tour giá rẻ như thời gian trước. Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, không nên nhìn nhận một cách quá khắt khe với tour du lịch 0 đồng. Vì 0 đồng thực chất là cái cớ, quan trọng là chúng ta bán các dịch vụ khác thế nào. Nếu quản lý tốt thì tour 0 đồng vẫn mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp du lịch vì khách Trung Quốc rất hào phóng trong chi tiêu, thích mua sắm. Với gần 155 triệu lượt khách đi du lịch nước ngoài năm 2019, mức chi tiêu 255 tỉ USD, Trung Quốc là một trong những thị trường nguồn khách quốc tế lớn và quan trọng bậc nhất thế giới. Các nước trong và ngoài khu vực đều có những đầu tư, biện pháp cạnh tranh, đẩy mạnh khai thác thị trường này. Bà Ngô Lan Phương, Tổng giám đốc Công ty CP lữ hành quốc tế Kim Liên cho biết: “Sau dịch, thị trường Trung Quốc đã có những thay đổi lớn. Thay vì đi theo đoàn đông qua các công ty du lịch, lữ hành, hiện nay rất nhiều người chọn mua tour và dịch vụ du lịch trên các nền tảng mạng xã hội, internet để đi du lịch nước ngoài và đi theo nhóm nhỏ. Để đón khách Trung Quốc, Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh với các nước Đông Nam Á mà còn phải cạnh tranh với châu Âu”.
Trong khi đó, châu Âu cũng đang rất muốn đón khách cao cấp Trung Quốc. Khảo sát tại Trung Quốc cho thấy nhu cầu đi du lịch lớn nhất của người dân nước này là đến châu Âu. Có những nước còn miễn visa cho Trung Quốc để thu hút khách từ thị trường lớn nhất thế giới này. Việt Nam cần có sản phẩm tốt thúc đẩy khách tăng chi tiêu tại điểm đến, tổ chức hội nghị chuyên đề riêng để thúc đẩy việc này và làm rõ hơn về thị trường khách Trung Quốc. Bà Phương cho biết, hiện nay, phần lớn các công ty du lịch Trung Quốc chưa hoạt động trở lại. Họ có lộ trình là sau Tết Nguyên đán mới bắt đầu kinh doanh trở lại. Hơn nữa, theo thông tin nhận được từ đối tác, Việt Nam chưa được đưa vào danh sách điểm đến mà Trung Quốc để đi du lịch. Trong khi đó, Thái Lan và nhiều nước Đông Nam Á, châu Âu đang cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam. Nhưng dù thế nào, chúng ta vẫn phải có sự chủ động để khai thác an toàn, hiệu quả. Vì thế, việc có một kế hoạch cụ thể để đón khách Trung Quốc là rất quan trọng.
Để đón tiếp hiệu quả, an toàn khách du lịch Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Du lịch Việt Nam, cần có sự chuẩn bị chu đáo. Việc đầu tiên ngành Du lịch phải triển khai là đưa ra các giải pháp cấp bách để sớm thu hút được khách du lịch Trung Quốc. Đồng thời phải ban hành các quy chế chặt chẽ về quản lý hoạt động này.
(Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam VŨ THẾ BÌNH)
Nguồn: THÚY HÀ ; ảnh: BÌNH THUẬN - Báo Văn Hóa
Xem thêm: Đón luồng khách du lịch Trung Quốc: Nhanh nhưng phải đảm bảo an toàn, hiệu quả
---------------------------------------
Mọi chi tiết liên hệ:
Công ty Du lịch ANZ (ANZ Travel)
Địa chỉ: 505 Phố Minh Khai - Hai Bà Trưng – Hà Nội
Điện thoại: 0243.974.4405
Hotline: 0987 12 13 18
Email: support@dulichanz.vn
Website: dulichanz.vn