5/13/2021

Thủ tục xin cấp và làm hộ chiếu điện tử phổ thông

Dư luận đang rộ lên tin đồn rằng năm 2011 sẽ cấp hộ chiếu điện tử thay thế hộ chiếu hiện nay với mức lệ phí 100 USD/quyển. Tuy nhiên, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A72) Bộ Công an vừa chính thức khẳng định từ nay đến hết năm 2012 vẫn chưa cấp hộ chiếu điện tử và mức lệ phí làm hộ chiếu vẫn là 200.000 đồng.

Cuối năm 2010, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án "Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam" với tổng dự toán đầu tư 1.024 tỷ đồng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia và tăng cường hội nhập quốc tế của đất nước.

Trong đó, 175 tỷ đồng để đầu tư dây chuyền thiết bị và phần mềm sản xuất hộ chiếu điện tử Việt Nam; 512 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị và phần mềm phục vụ cấp phát, kiểm soát và quản lý hộ chiếu điện tử trong các đơn vị thuộc Bộ Công an, đầu tư xây dựng Trung tâm Phát hành khoá và chữ ký số quốc gia dùng để ký và kiểm tra hộ chiếu điện tử, Trung tâm Điều hành hệ thống và Trung tâm Lưu trữ cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ chiếu điện tử và xuất nhập cảnh do Bộ Công an quản lý; 234 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị và phần mềm cấp phát hộ chiếu điện tử trong các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao; 103 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị và phần mềm kiểm soát hộ chiếu điện tử và người xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.

Về nguồn kinh phí thực hiện, Thủ tướng yêu cầu các Bộ Công an, Ngoại giao, Quốc phòng sử dụng số lệ phí xuất nhập cảnh phải nộp ngân sách Nhà nước tối đa 4 năm (từ 2011 - 2014) để đầu tư thực hiện Đề án. Đối với các Bộ có số thu lệ phí xuất nhập cảnh đủ để thực hiện Đề án trước 4 năm phải tiếp tục thực hiện nộp ngân sách Nhà nước kể từ thời điểm thu đủ lệ phí xuất nhập cảnh để đầu tư Đề án. Đối với các Bộ có số thu lệ phí xuất nhập cảnh trong 4 năm chưa đủ để đầu tư Đề án, đề nghị báo cáo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Việc quản lý, sử dụng lệ phí xuất nhập cảnh để triển khai thực hiện Đề án do Bộ Tài chính hướng dẫn theo cơ chế quản lý vốn đặc biệt.

Đề án được thực hiện trong 4 năm, chia thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn I (từ năm 2011 đến năm 2012) sẽ đầu tư cho sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử ở trong nước.

Giai đoạn II (từ năm 2013 đến 2014), đầu tư cho mở rộng phát hành hộ chiếu điện tử ra các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và phát triển khai việc kiểm soát hộ chiếu điện tử tại các cửa khẩu.

Công nghệ nhận dạng vân tay triển khai trong Đề án phải đảm bảo tương thích với các công nghệ nhận dạng vân tay sử dụng trong hệ thống chứng minh nhân dân điện tử và hệ thống tàng thư tội phạm mà Bộ Công an đang chủ trì xây dựng.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ chiếu điện tử phải đảm bảo khả năng mở rộng và tích hợp để trao đổi, chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác về dân cư, về chứng minh nhân dân, về tội phạm.

Thủ tướng giao Bộ Công an đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ chiếu và xuất nhập cảnh, là đầu mối tập trung thông tin dữ liệu về cấp hộ chiếu và xuất nhập cảnh từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải về Bộ Công an để quản lý thống nhất.

Được biết, theo Dự thảo Chương trình quốc gia về ứng dụng CNNTT do Bộ Thông tin & Truyền thông soạn thảo, đến năm 2015, với việc xây dựng, hoàn thiện các hệ thống thông tin chuyên ngành quy mô quốc gia thiết yếu, phục vụ cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp, thì 100% hộ chiếu được cấp cho công dân Việt Nam phục vụ công tác xuất, nhập cảnh sẽ là hộ chiếu điện tử.

Đăng ký
Nhận thông tin khuyến mãi

Để lại Email của bạn ở đây và có cơ hội giảm 50% ở chuyến đi tiếp theo!